Hỏi:
Tôi và chồng đăng ký kết hôn tháng 03/2015, trước khi kết hôn chồng tôi được ba mẹ anh tặng cho căn nhà, đó là căn nhà sau này tôi và chồng tôi cùng sinh sống, theo thời gian do căn nhà xuống cấp nên vợ chồng tôi cùng tích góp để sửa chữa, tổng chi phí là 400.000.000 đồng. Sau 5 năm chung sống, do mâu thuẫn trong quan niệm sống, nhiều lần cố gắng hòa hợp nhưng không thể hàn gắn, vì vậy cả hai quyết định ly hôn. Chồng tôi nói rằng sẽ lấy căn nhà mà tôi không có bất kỳ quyền lợi và sẽ giành quyền nuôi đứa con nhỏ 13 tháng tuổi (chúng tôi có 2 con, một gái 5 tuổi và một trai 13 tháng tuổi). Về mặt pháp luật thì vấn đề của tôi được giải quyết như thế nào?
Đáp:
Căn cứ pháp lý: Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
- Đối với tài sản là căn nhà:
Khoản 1, Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”
Theo đó, căn nhà được xác định là của chồng chị, hình thành trước hôn nhân (được tặng cho riêng). Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc phân chia tài sản, chị đã có công sức đóng góp sửa nhà thì chị có quyền yêu cầu chồng chị thanh toán lại phần giá trị tài sản mà chị đóng góp vào như theo quy định tại:
Khoản 4, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng và tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”
- Đối với quyền nuôi con:
Căn cứ vào các quy định tại: Khoản 3, Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.”
Như vậy, nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được việc nuôi con thì theo pháp luật, riêng đứa con trai của chị sẽ được ưu tiên giao cho chị trực tiếp nuôi dưỡng vì con trai chị hiện 13 tháng tuổi (dưới 36 tháng tuổi) thuộc trường hợp tại khoản 3, Điều 81 nêu trên. Nhưng bên cạnh đó, chị phải chứng được mình đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, cụ thể chị có thể chứng minh mức thu nhập hàng tháng, vị trí địa lý nơi ở phù hợp với điều kiện phát triển của con về tinh thần lẫn vật chất.
- Thủ tục ly hôn:
Do có tranh chấp nên thủ tục ly hôn bao gồm:
- Đơn khởi kiện Đơn phương ly hôn;
- Giấy chứng minh nhân dân (bản sao công chứng);
- Sổ hộ khẩu (bản sao công chứng);
- Giấy Chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Các giấy tờ chứng minh tài sản.
Nộp một bộ hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền, thường là nơi cư trú của bị đơn, trong trường hợp không biết thông tin về nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết được quy tại điểm a, khoản 1, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Theo đó, “nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Tại điểm a, khoản 1, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền xét xử về hôn nhân (không có yếu tố nước ngoài) thuộc TAND cấp huyện, nên trường hợp này nguyên đơn nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình tại TAND cấp huyện nơi chồng chị cư trú, làm việc cuối cùng (nếu biết).