Kinh nghiệm trong tranh chấp hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng

Thông qua Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là một trong những loại tranh chấp xảy ra nhiều nhất và ngày càng phức tạp. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua khi giải quyết loại tranh chấp này còn rất nhiều sai sót nên sau khi xử sơ thẩm có kháng cáo phúc thẩm bị sửa, hủy nhiều trong đó các vụ án xét xử ở sơ thẩm đều có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa nhưng không phát hiện được sai sót trong hồ sơ. Với mục đích nhằm giảm tỷ lệ án sửa, hủy do có lỗi của Kiểm sát viên ở cấp sơ thẩm, chúng tôi tập hợp một số vấn đề cơ bản và đường lối pháp luật áp dụng để giải quyết đối với các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản.

1. Hợp đồng vay tài sản nhưng không có giấy giao nhận tiền:

Đối với trường hợp cho vay có làm hợp đồng vay tài sản nhưng trong điều khoản của hợp đồng không ghi cụ thể việc giao nhận tiền, khi có tranh chấp nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền nếu bị đơn thừa nhận đã nhận tiền thì nguyên đơn không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 BLTTDS. Nếu bị đơn không thừa nhận cho rằng chỉ mới ký hợp đồng nguyên đơn chưa giao tiền nên không chấp nhận trả thì phải yêu cầu nguyên đơn chứng minh việc giao nhận tiền, nếu nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ để chứng minh việc giao nhận tiền thì không đủ căn cứ để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

2. Về hình thức giả tạo của hợp đồng vay tài sản:

Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp các bên thực hiện giao dịch vay tài sản nhưng không ký hợp đồng vay tài sản mà lại ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán nhà, cũng có nhiều trường hợp vừa ký hợp đồng vay tài sản vừa ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán nhà. Với các trường hợp này, bên cho vay sẽ giữ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Nếu bên vay trả tiền đúng thời hạn thì bên cho vay trả lại hợp đồng chuyển nhượng, nếu bên vay không trả tiền đúng hạn thì bên cho vay đi làm thủ tục đăng ký kê khai đứng tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.

Nếu bên vay khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng, hủy giấy tờ đứng tên bên cho vay và đồng ý trả tiền nợ và lãi theo quy định nhưng bên cho vay không chấp nhận. Để có căn cứ xác định giao dịch chuyển nhượng đất giữa hai bên có phải là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu cho hợp đồng vay tiền hay không thì cần làm rõ có giấy vay tiền không, diện tích đất được thế chấp giá trị có lớn hơn so với hợp đồng chuyển nhượng đã ký kết không, có giấy giao nhận tiền chuyển nhượng hay không, có giao nhận đất, nhà hay không….Nếu có căn cứ xác định giao dịch chuyển nhượng đất nhằm che giấu cho hợp đồng vay tiền thì tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu và các bên có tranh chấp hợp đồng vay thì không xác định lỗi của hợp đồng chuyển nhượng mà phải xem xét giải quyết hợp đồng vay và tính lãi suất theo quy định đối với số tiền bị đơn đã vay của nguyên đơn.

3. Nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng:

Nhiều trường hợp khi giao dịch vay tài sản chỉ có một người đứng tên vay tiền, nhưng khi nguyên đơn khởi kiện thì yêu cầu hai vợ chồng cùng trả nợ. Vợ hoặc chồng khai không biết, không sử dụng tài sản vay nhưng Tòa không xác minh làm rõ mà buộc cả hai vợ chồng cùng có trách nhiệm liên đới trả nợ vì cho rằng vay trong thời kỳ hôn nhân. Đây là nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật. Tài sản do một bên tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung (quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Nhưng không có quy định nào là cứ vay trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung.

Một bên vợ hoặc chồng không tham gia giao dịch mà vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới chỉ trong trường hợp quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu một bên vợ hoặc chồng không biết, không sử dụng tài sản vay thì không phải chịu nghĩa vụ liên đới trả nợ. Trong trường hợp nếu như nguyên đơn cho rằng một bên vợ hoặc chồng biết việc vay tiền nên yêu cầu liên đới trả nợ thì nguyên đơn có trách nhiệm chứng minh vợ hoặc chồng biết và đồng tình để vợ hoặc chồng vay tiền.

4. Về lãi suất:

Muốn tính lãi suất được chính xác trước tiên phải xác định thời điểm giao dịch. Đối với hợp đồng vay tài sản từ ngày 01/01/2006 đến trước ngày 01/01/2017 thì áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết, tuy nhiên cần lưu ý:

– Đối với hợp đồng được thực hiện xong trước ngày 01/01/2017 mà có tranh chấp thì áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết.

– Đối với hợp đồng đang được thực hiện thì cần phân biệt:

+ Nếu lãi, lãi suất không phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết.

+ Nếu lãi, lãi suất phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc áp dụng pháp luật để xác định lãi, lãi suất như sau:

. Đối với khoảng thời gian từ ngày 01/01/2006 đến trước ngày 01/01/2017 thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết.

. Đối với khoảng thời gian từ ngày 01/01/2017 thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết.

– Đối với hợp đồng chưa được thực hiện thì cần phân biệt:

+ Nếu lãi, lãi suất không phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung về lãi, lãi suất phù hợp với Bộ luật dân sự năm 2015 và để áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

+ Nếu lãi, lãi suất phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết.

* Khi tính lãi suất theo Bộ luật dân sự năm 2005 cần xác định:

+ Đối với hợp đồng vay không có lãi thì bên vay có nghĩa vụ trả lãi trên nợ gốc quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (9%/năm = 0.75%/tháng), nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi đối với nợ gốc quá hạn. (khoản 4 Điều 474 BLDS năm 2005).

+ Đối với hợp đồng vay có lãi thì cần lưu ý phân biệt:

. Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (13,5%/năm = 1.125%), (khoản 1 Điều 476 BLDS năm 2005).

Trường hợp các bên không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ (9%/năm = 0.75%/tháng), (khoản 2 Điều 476 BLDS năm 2005).

. Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố (9%/năm = 0.75%/tháng).

Khi xác định lãi, lãi suất nêu trên thì không được tính lãi trên nợ lãi chưa trả.

* Khi tính lãi suất theo Bộ luật dân sự năm 2015 cần xác định:

+ Đối với hợp đồng vay không có lãi thì bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/năm tương đương 0.83%/tháng).

+ Đối với hợp đồng vay có lãi thì cần lưu ý phân biệt:

. Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (20%/năm tương đương 1.66%/tháng).

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/năm tương đương 0.83%/tháng).

Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (10%/năm tương đương 0.83%/tháng), trừ trường hợp có thỏa thuận khác (điểm a khoản 5 Điều 466 BLDS năm 2015).

. Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (không quá 30%/năm), (điểm b khoản 5 Điều 466 BLDS 2015).

Leave Comments

0986698988; 0932589699
0879060111